Khái quát chung về điều kiện tự nhiên huyện Pác Nặm

Huyện Pác Nặm được thành lập năm 2003 theo Nghị định số 56/2003/NĐ-CP ngày 28/5/2003 của Chính phủ.

Theo đó, huyện Pác Nặm được thành lập trên cơ sở 47.364ha diện tích tự nhiên và 26.131 nhân khẩu của huyện Ba Bể (Hiện nay, huyện Pác Nặm có 30.724 nhân khẩu). Huyện Pác Nặm có 10 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã: Công Bằng, Giáo Hiệu, Nhạn Môn, Bằng Thành, Bộc Bố, Cao Tân, Nghiên Loan, An Thắng, Xuân La, Cổ Linh.

1. Vị trí địa lý, dân số:

– Pác Nặm là huyện miền núi, nằm ở phía Bắc của tỉnh Bắc Kạn, cách trung tâm Thành phố Bắc Kạn 95km. Huyện có 10 đơn vị hành chính gồm 10 xã: Nghiên Loan, An Thắng, Xuân La, Bộc Bố, Bằng Thành, Nhạn Môn, Giáo Hiệu, Công Bằng, Cổ Linh, Cao Tân.

+ Phía Đông giáp huyện Nguyên Bình ( Cao Bằng )

+ Phía Tây giáp huyện Na Hang ( Tuyên Quang )

+ Phía Bắc giáp huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc ( Cao Bằng )

+ Phía Nam giáp huyện Ba Bể ( Bắc Kạn )

– Tổng diện tích đất tự nhiên 47.364 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 9,3%.

– Dân số: 33.818  người ( T5/2019 ), dân tộc thiểu số chiếm 98,65%, có 02 dân tộc có số dân trên 10 nghìn người (Tày: 11.403 người, Mông: 11.073 người); có 03 dân tộc có số dân số từ 1 nghìn người trở lên: Dao 8.393 người, Nùng 1.228 người, Sán Chỉ 1.228 người).

– Diện tích: ……km2.

2. Đặc điểm tài nguyên – thiên nhiên:

2.1. Địa hình, khí hậu:

– Pác Nặm nằm ở vùng núi phía Bắc, có đặc điểm địa hình cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc, được kiến tạo bởi những dãy núi lớn đều có hướng chạy Đông Nam – Tây Bắc. Huyện có ba nhánh Sông chính, là một trong những đầu nguồn của dòng Sông Năng. Địa hình khá phức tạp nhưng có thể chia thành 2 vùng lớn: Vùng cao và vùng thấp. Vùng cao có độ cao trung bình trên 800 m trở lên, chiếm khoảng 60% diện tích toàn huyện. Vùng này dân cư thưa thớt, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, có khả năng huy động vào phát triển kinh tế – xã hội. Vùng thấp có độ cao dưới 800 m, chủ yếu là địa hình đồi núi thấp, thung lũng bồn địa, chiếm khoảng 40% diện tích tự nhiên toàn huyện.

– Đặc điểm khí hậu: Trên địa bàn huyện khí hậu phân rõ 4 mùa: Xuân, Hè, Thu, Đông; do địa hình nên về mùa đông khí hậu thường lạnh, tại một số thôn vùng cao về mùa hè khí hậu mát mẻ là điều kiện tốt để phát triển các cây trồng ôn đới như : Đào, Lê, Chè Shan tuyết, Thảo quả, trồng rau trái vụ … , có tiềm năng thị trường.

2.2. Tài nguyên đất đai, nguồn nhân lực, tiềm năng:

– Diện tích đất nông nghiệp là 46.085,08 ha, chiếm 96,94% tổng diện tích đất tự nhiên (Đất sản xuất nông nghiệp 5.742,51 ha, đất lâm nghiệp 40.064,5 ha, đất nuôi trồng thủy sản 30,84 ha, đất nông nghiệp khác 247,21 ha). Diện tích đất phi nông nghiệp (đất ở, đất chuyên dùng, …) là 1.134,14 ha, chiếm 2,39% tổng diện tích đất tự nhiên. Diện tích đất chưa sử dụng là 319,92 ha, chiếm 0,67% tổng diện tích đất tự nhiên.

– Đất đai màu mỡ, tầng canh tác dầy, diện tích đất trống chưa đưa vào sử dụng còn lớn, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp vụ 3 (vụ đông) chưa được nhân dân khai thác triệt để. Đây là cơ hội để phát triển một số cây nông nghiệp (ngô, khoai môn, sắn, khoai lang …), cây công nghiệp (đậu tương, dong riềng, thuốc lá …), cây dược liệu (gừng, nghệ, thảo quả, giảo cổ lam …), cây ăn quả (mận, đào, lê …), chăn nuôi gia súc – gia cầm (trâu, bò, ngựa, dê, gà …) và trồng rừng nguyên liệu (keo, xoan …).

– Với tiềm năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa trên là tiền đề để cho huyện Pác Nặm phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến nông lâm sản như: Chế biến gỗ, thức ăn gia súc, thịt, dược liệu … tham gia vào thị trường trong và ngoài tỉnh.

– Tổng số hộ lao động sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp là 6.198 hộ chiếm 88,4 %. Nguồn lao động dồi dào, trình độ lao động sản xuất cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

– Huyện Pác Nặm có 07 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống đặc sắc riêng. Cùng với đó là hệ thống sông ngòi xen kẽ những cánh đồng, bãi nương và những nếp nhà sàn xinh sắn; đặc biệt là những dãy ruộng bậc thang trải dài trên các sườn đồi, núi; mỗi mùa ruộng bậc thang lại tạo ra một bức tranh với màu sắc khác nhau: Màu trắng bạc của mùa nước đổ, màu xanh của mạ non, màu vàng óng mượt khi mùa lúa chín đẹp tựa như bức tranh thêu…là tiềm năng lớn cho phát triển ngành Du lịch sinh thái, trải nghiệm.

3. Kết quả về phát triển kinh tế :

– Những lợi thế trong phát triển sản xuất nông nghiệp lâm nghiệp, chăn nuôi được Đảng bộ, Chính quyền huyện Pác Nặm tập trung chỉ đạo phát triển có hiệu quả. Đến nay bình quân mỗi năm địa phương thực hiện được 4.722,36 ha cây lương thực có hạt, an ninh lương thực được đảm bảo, lương thực bình quân đầu người duy trì đạt mức trên 600kg/người/năm, diện tích cây trồng hàng năm khác được đẩy mạnh phát triển, hàng năm thực hiện đạt trên 1.000ha.

– Năm 2016, thực hiện Nghị quyết HĐND huyện về Đề án “Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm an toàn, có sức cạnh tranh trên thị trường; tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng huyện Pác Nặm giai đoạn 2016 – 2020”, là tiền đề đẩy mạnh triển khai các mô hình, dự án PTSX thông qua các nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 30a, 135, xây dựng nông thôn mới và nguồn ngân sách huyện. Các mô hình, dự án đã được tập trung triển khai thực hiện như Mô hình cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa nước; cải tạo, trồng mới cam quýt; Mô hình thâm canh cây Đậu tương; sản xuất rau xanh; thâm canh cây Mận sớm; trồng cây Thảo quả; trồng cây Khoai môn; chăn nuôi vỗ béo trâu, bò và cải tạo đàn bò sinh sản. Dự án trồng cây gừng, cây nghệ, chuối,… diện tích chuyển đổi sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hàng năm đều tăng, qua đó đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất, từng bước nâng cao giá trị từ sản xuất nông lâm nghiệp góp phần tăng thu nhập người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo…

– Công tác chăn nuôi tiếp tục được duy trì phát triển ổn định phù hợp với lợi thế của địa phương. Trên địa bàn huyện Pác Nặm hiện có hơn 14.700 con trâu, bò, hơn 27.000 con lợn và trên 110.000 con gia cầm. Công tác trồng rừng được đẩy mạnh thực hiện, hàng năm diện tích trồng rừng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, toàn huyện trồng rừng được trên 5.500ha, trong đó rừng đến tuổi khai thác hiện nay là trên 2.000 ha, hiện nay người dân đã có thu nhập từ khai thác rừng trồng. Độ che phủ rừng đạt năm 2014 đạt 52,3%, đến năm 2018 đã đạt trên 56%.

– Huyện đã tập trung huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài cùng với phát huy nội lực, đóng góp của nhân dân, phòng trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh và từng bước đi vào cuộc sống. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư. Đến nay trung bình huyện đạt 9,2 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, có 02 xã đạt trên 10 tiêu chí.

– Sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ – thương mại tăng về số lượng, quy mô và giá trị, đến năm 2018 đạt trên 8.000 triệu đồng. Có trên 200 cơ sở công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và trên 300 cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ. Hoạt động kinh doanh thương mại – dịch vụ đã dạng trên các lĩnh vực, các loại hàng hóa phụ vụ nhu cầu thiết yếu của người dân đa dạng và kịp thời được cung ứng cho người dân… Thu ngân sách hàng năm đều đạt và tăng so với kế hoạch đề ra, năm 2014 thu ngân sách đạt 4.000 triệu đồng, đến năm 2018 thu ngân sách đạt 12.762.triệu đồng. Chi ngân sách huyện đảm bảo phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của địa phương, các nhiệm vụ cấp thiết, các chính sách an sinh xã hội. Đời sống của nhân dân các dân tộc trong huyện không ngừng được cải thiện.

– Cơ sở hạ tầng: Đường giao thông, thuỷ lợi, trường học, đường điện, nước sinh hoạt, trạm y tế và các công trình phúc lợi được đầu tư phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu của đồng bào các dân tộc. Đến nay các tuyến đường giao thông quan trọng từ huyện đến trung tâm xã đã được nhựa hóa, 99/118 thôn có đường ô tô đến trung tâm, chiếm 83,9%, tỷ lệ đường thôn bản được bê tông hóa, nhựa hóa đạt 53,39% (63/118 thôn); 100% số thôn, bản đi được xe gắn máy đến trung tâm thôn, bản. 10/10 trạm y tế xã được đầu tư xây dựng kiên cố và đạt chuẩn quốc gia. 10/10 xã có trụ sở được đầu tư xây dựng kiên cố khang trang; Đến hết năm 2018 toàn huyện đã có 110/118 (93,22%) thôn có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt 85,49%; 95% tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 10/10 xã có điểm phục vụ bưu chính đạt chuẩn, 10/10 xã có dịch vụ viễn thông, internet; 7/10 xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến 70% số thôn. Có 5/10 xã đạt chuẩn tiêu chí thủy lợi trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới….

– Công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, quy hoạch sử dụng đất được tăng cường, việc quy hoạch sử dụng đất đã đạt được những kết quả tích cực góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội. Quan tâm chỉ đạo các cấp, địa phương thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn gắn với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, hiện nay rác thải tại trung tâm xã Bộc Bố đã được thu gom xử lý, tại các xã hệ thống lò đốt rác thải đã được xây dựng và đi vào hoạt động.

4. Kết quả văn hóa – xã hội:

– Pác Nặm là huyện miền núi có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, nhân dân các dân tộc luôn đoàn kết, gắn bó trong lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống mới; Đồng thời, có ý thức coi trọng và bảo tồn, phát huy những giá trị của văn hóa truyền thống.

– Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn chú trọng đến việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc, xây dựng các thiết chế văn hóa, duy trì tổ chức lễ hội truyền thống của các địa phương, các làn điệu hát lượn, hát then… của các dân tộc, trò chơi dân gian, những bài thuốc, ẩm thực dân tộc đặc sắc… Công tác lãnh đạo triển khai thực hiện nếp sống văn hoá mới, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã được các cấp, các ngành quan tâm; Các quy ước, hương ước của thôn được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực thực hiện đã góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, tốn kém. Đến hết năm 2018, toàn huyện có 74/118 thôn, 80/85 đơn vị, 5.251/6.793 gia đình, đạt tiêu chuẩn văn hóa. Các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, thể thao phát triển rộng khắp; Hệ thống truyền thanh truyền hình huyện được duy trì, chất lượng công tác truyền thanh được nâng lên rõ rệt. Các hoạt động Văn hóa, văn nghệ quần chúng không ngừng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân, tổ chức các loại hình hoạt động như hội diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ… với nhiều chủ đề đa dạng, phong phú mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo không khí vui tươi, sôi nổi trong nhân dân.

– Công tác giáo dục và chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào DTTS được huyện quan tâm đầu tư và phát triển mạnh, quy mô giáo dục – đào tạo được mở rộng, chất lượng giáo dục các ngành học, bậc học, cấp học có chuyển biến tích cực. Hệ thống các trường phổ thông Dân tộc bán trú được củng cố, tăng cường; Mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng được phát triển ở 100% xã. Hàng năm tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 100%, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt từ 95% trở lên. 100% giáo viên các bậc học đạt chuẩn về trình độ. Có 04 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; 10/10 xã hoàn thành phổ cập giáo dục xóa mù chữ, 10/10 xã có trung tâm học tập công đồng; Toàn huyện hiện có 01 trường Trung học phổ thông, 01 trường DTNT huyện, 08 trường phổ thông dân tộc bán trú; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi đến lớp đạt 99,7%, có trên 93,35% số phòng học được xây dựng kiên cố, bán kiên cố.

– Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ cho việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được quan tâm đầu tư; Đội ngũ cán bộ y, bác sỹ thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, 10/10 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Các trạm Y tế xã đều có bác sỹ làm việc. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ hàng năm đạt trên 99%, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng trung bình hàng năm 17%, đạt so với Nghị quyết Đại hội đề ra, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu  được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

– Từ năm 2014 đến năm 2018 đã thực hiện đào tạo nghề cho 2.157 lao động, giải quyết việc làm được 3.902 lao động, hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được 25 người. Công tác giảm nghèo được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện. Đến thời điểm hiện nay toàn huyện còn 2.770 hộ nghèo (chuẩn nghèo đa chiều) với 14.009 khẩu, chiếm 38,84% tổng số hộ toàn huyện (trong đó hộ nghèo DTTS chiếm 99,6% tổng số hộ nghèo); hộ cận nghèo là 985 hộ với 4.700 khẩu, chiếm 13,81% (trong đó hộ cận nghèo DTTS chiếm 99,8%).

5. Kết quả công tác quốc phòng, an ninh:

– Về Công tác quốc phòng – an ninh: Các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về quốc phòng, an ninh được quán triệt, thực hiện nghiêm túc. Công tác giáo dục quốc phòng toàn dân và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh được triển khai thực hiện có hiệu quả. Lực lượng vũ trang được củng cố, kiện toàn cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Công tác hậu cần nhân dân, hậu cần địa phương được phát huy tích cực bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Hàng năm, hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đảm bảo chất lượng, đúng luật. Phát huy tốt tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội trong việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.

– Các cấp, các ngành đã phối hợp tốt trong việc đảm bảo giữ vững an ninh nội bộ, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Tập trung chỉ đạo có hiệu quả các đợt cao điểm phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm. Đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự cho các sự kiện chính trị của Đảng, Nhà nước và các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, của địa phương. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm; tỷ lệ điều tra, khám phá án chung đạt 94,64%, bằng 111,34% chỉ tiêu Nghị quyết, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 100%,bằng 105,26% chỉ tiêu Nghị quyết. Tăng cường thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng. Công tác nắm tình hình an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc thường xuyên được duy trì, chủ động trong việc xử lý tình huống, không để xảy ra bị động, bất ngờ, hình thành các điểm nóng gây bất an trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…/.

Địa hình, khí tượng thủy văn

Với đặc thù là huyện miền núi, Pác Nặm có địa hình phức tạp, có độ dốc lớn ( trung bình từ 400 – 1.200m so với mặt nước biến), chia cắt mạnh.

Huyện Pác Nặm nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia thành 02 mùa trong năm: Mùa khô thường xảy ra từ tháng 10 năm trước đén tháng 4 năm sau. Do ảnh hưởng khí hậu vùng núi cao nên vè mùa khô thường xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài. Mùa mưa từ tháng 5 – tháng 9 trong năm; do ảnh hưởng bởi địa hình phức tạp, độ dốc lớn nên thường xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

Nhiệt độ trung bình năm từ 220C đến 280C. Độ ẩm không khí trung bình từ 84-85%.

Lượng mưa trung bình năm của huyện là 1.346mm, thuộc vùng mưa ít của tỉnh. Các tháng có lượng mưa lớn là tháng 4,5,6,7 với tổng lượng mưa của 4 tháng này lên tới 90% tổng lượng mưa cả năm; các tháng còn lại có lượng mưa nhỏ. Do sự phân bố lượng mưa không đều và chênh lệch lớn nên đã gây khó khăn (sạt lở đất, lũ quyets, hạn hán…) trong việc phát triển nông – lâm nghiệp trên địa bàn huyện.

Sông ngòi

Huyện Pác Nặm có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, có 3 con sông lớn: Sông Năng, sông Công Bằng, sông Nghiên Loan. Hệ thống suối bao gồm trên 40 con suối lớn nhỏ: Suối Nặm Khiếu (Nhạn Môn), suối Khuổi Tuốn (Nghiên Loan), suối Nà Lại, Khuổi Mạn (Bằng Thành), suối Khuổi Khiêu (Bộc Bố), suối Khuổi Trảng (Giáo Hiệu)…/.

Bài trướcHội nghị BCH Đảng bộ huyện Pác Nặm lần thứ sáu (mở rộng)
Bài tiếp theoNgày 10 tháng 11 năm 2021 UBND xã tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4